Chiến công Ioannes II Komnenos

Mặc dù hoàng đế đã trải qua một số trận đánh dàn quân đáng chú ý, chiến lược quân sự của Ioannes II lại dựa vào việc đánh chiếm và giữ chặt các khu định cư với tường thành bao quanh để xây dựng vùng biên cương dễ phòng thủ. Đích thân Ioannes đã tiến hành khoảng hai mươi lăm lần vây thành trong suốt triều đại của mình.[28]

Xung đột với thị quốc Venezia

Ioannes II trong bộ triều phục, bức phù điêu Đông La Mã bằng đá cẩm thạch, đầu thế kỷ 12.

Sau khi lên nối ngôi, Ioannes II đã từ chối xác nhận hiệp ước năm 1082 của phụ hoàng với Cộng hòa Venezia, cho phép thị quốc Ý này được độc quyền buôn bán trong khắp Đế quốc Đông La Mã. Thế nhưng sự thay đổi trong chính sách đã không được thúc đẩy bởi những quan ngại về tài chính. Một biến cố liên quan đến sự lạm quyền của một thành viên thuộc hoàng tộc của Venezia đã dẫn tới một cuộc xung đột nguy hiểm, đặc biệt là khi Byzantium ngày càng phụ thuộc vào thực lực hải quân của Venezia. Sau một cuộc tấn công trả đũa người Đông La Mã sống trên đảo Kerkyra, hoàng đế nổi giận ra lệnh trục xuất giới thương nhân Venezia ra khỏi kinh thành Constantinopolis. Nhưng việc này chỉ khiến hai bên nảy sinh thêm mối hận thù, và Venezia bèn điều một hạm đội 72 tàu chiến tới cướp phá tan tành các đảo Rhodes, Chios, Samos, Lesbos, Andros và chiếm đóng Kefalonia trên vùng biển Ionia.[29] Sau cùng Ioannes buộc phải đi đến ký hòa ước; chiến tranh làm tiêu tốn của ông nhiều hơn là giá trị nó mang lại, và ông không kịp chuẩn bị chuyển nguồn ngân quỹ từ lực lượng bộ binh của triều đình sang cho hải quân để xây dựng đoàn tàu chiến mới toanh. Ioannes đành phải tái khẳng định hiệp ước năm 1082.[30] Dù vậy, sự lúng túng này không hẳn rơi vào quên lãng, dường như có khả năng là nó đóng một phần trong việc truyền cảm hứng cho người kế vị của Ioannes (Manouel I Komnenos) tái lập một hạm đội hải quân Đông La Mã hùng mạnh một vài năm sau đó.

Bình định người Pecheneg

Trong các năm 1119–1121 Ioannes đã đánh tan quân Thổ Seljuq, thiết lập quyền kiểm soát của mình qua phía tây nam Anatolia. Tuy nhiên, ngay sau đó, vào năm 1122, Ioannes mau chóng di chuyển quân mình sang châu Âu để chống chọi một cuộc xâm lược của người Pecheneg qua biên giới Danube tiến vào vùng Paristrion. Những kẻ xâm lược này từng là đạo quân phụ trợ của Vương công Kiev. Ioannes bèn thiết lập vòng vây quân Pecheneg ngay khi họ vừa tràn vào xứ Thracia, dùng kế nói dối để họ tưởng bở hoàng đế sẽ ban cho họ một hiệp ước thuận lợi, rồi thừa lúc quân Pecheneg chểnh mảng việc canh phòng liền tung toàn bộ lực lượng tàn phá nơi đóng quân kiên cố của họ. Trận đánh tiếp theo giữa hai bên diễn ra ở Beroia khá quyết liệt, Ioannes bị quân địch bắn trúng tên vào chân, nhưng vào cuối ngày hôm đó quân đội Đông La Mã đã giành lấy phần thắng khi đập tan đại quân Pecheneg. Khoảng khắc quyết định trong trận chiến là khi Ioannes chỉ huy đội cấm quân Varangia, phần lớn toàn là người Anh, tấn công vào phòng tuyến gồm những toa xe tạo thành một loại pháo đài di động gọi là laager của quân Pecheneg, dùng rìu chiến đánh mở đường máu xông vào hàng ngũ của đối phương.[9][31] Trận đánh này đã đặt dấu chấm hết cho nền độc lập của người Pecheneg; nhiều người bị bắt làm tù binh trong cuộc xung đột đã được phía Đông La Mã bố trí đưa tới vùng biên cương làm lính thú theo kiểu ngụ binh ư nông.[32]

Chinh phạt người Hungary và người Serb

Cuộc hôn nhân của Ioannes với công chúa Hungary Piroska làm cho ông bị dính vào một cuộc tranh đoạt vương quyền xảy ra tại Vương quốc Hungary. Mọi chuyện bắt đầu từ lúc hoàng đế cho phép Álmos, kẻ tranh ngôi vua Hungary bị chọc mù mắt tới ẩn náu chỗ mình, làm dấy lên sự nghi ngờ của người Hungary. Quân Hungary dưới sự thống lĩnh của Vua Stephen II, kéo vào xâm chiếm tỉnh Balkan của Byzantium vào năm 1127, khiến tình trạng thù địch kéo dài cho đến năm 1129; tuy vậy, theo một quyển biên niên sử khác kể lại rằng đợt tấn công của người Hungary và sự trả đũa của quan quân Đông La Mã xảy ra vào năm 1125 với việc cả hai tiếp tục tình trạng thù địch vào năm 1126.[33][34][35] Ioannes quyết định thảo phạt người Serb, vì nhìn thấy rõ hiểm họa trong quan hệ đồng minh của họ với người Hungary, nhiều người trong số đó đã thâu tóm tài vật và vận chuyển đến Nicomedia ở Tiểu Á hòng xây dựng thành một cứ địa quân sự tại nơi đây. Hành động của hoàng đế một phần dùng để thị uy người Serb phải thần phục đế chế (Serbia về danh nghĩa vẫn là một nước chịu sự bảo hộ của Đông La Mã), và một phần là để củng cố biên giới Đông La Mã tại miền đông chống lại người Thổ. Người Serb đã buộc phải thừa nhận quyền bá chủ của Đông La Mã một lần nữa.[32] Cuộc chinh phạt Serbia có thể đã diễn ra giữa hai giai đoạn riêng biệt trong cuộc chiến với Hungary.[36] Người Hungary đã kéo quân tiến chiếm Belgrade, NishSofia; Ioannes lúc này đang ở gần Philippopolis xứ Thracia, nhờ sự trợ giúp từ một hạm đội tàu chiến nhỏ đang hoạt động trên sông Danube đã phản công ngay lập tức.[9] Sau một chiến dịch đầy thử thách mà chi tiết vẫn còn mù mờ, hoàng đế tung lực lượng chủ chốt chặn đánh quân Hungary và đồng minh Serbia của họ ngay tại pháo đài Haram hay Chramon, nay thuộc Nova Palanka; nhiều binh lính Hungary đã thiệt mạng khi chạy qua một cây cầu bị gãy đổ lúc đang cố thoát khỏi đợt truy kích của quân Đông La Mã.[37] Sau này người Hungary mới trả đũa bằng cách tấn công thành Braničevo, rồi lại được Ioannes tái thiết mau chóng. Ngoài những thành công về mặt quân sự của Đông La Mã, Choniates còn đề cập đến một số trận giao tranh ngắn, dẫn đến nền hòa bình được lập lại.[38][39][40] Đông La Mã khẳng định chủ quyền các trọng trấn Braničevo, Belgrade và Zemun đều thuộc về họ và sau này còn thu hồi thêm cả Sirmium (gọi là Frangochorion theo Choniates), vốn thuộc về Hungary kể từ sau thập niên 1060. Chỉ khi kẻ tranh ngôi Hungary là Álmos mất vào năm 1129, mới chấm dứt nguồn gốc gây nên bất hòa giữa hai nước.[36]

Đánh đuổi người Thổ vùng Tiểu Á

Một mãnh kiến trúc thời kỳ Seljuq có xuất xứ từ Konya, cho thấy Seljuq chiếm đoạt đại bàng hai đầu thường gắn liền với Byzantium. Bảo tàng Minare Ince, Konya. Bản tính tự nhiên của bức phù điêu trông nhìn giống Hy Lạp hơn là mang âm hưởng của tài nghệ Syria hoặc Iran.

Đầu năm trị vì của Ioannes người Thổ đã xâm phạm vùng biên cương của Đông La Mã ở miền tây Tiểu Á, và ông đã quyết định ngự giá thân chinh. Năm 1119, quân Seljuq đã cắt đứt tuyến đường bộ dẫn đến thành phố Attaleia nằm trên bờ biển phía nam Anatolia. Ioannes II và Binh mã Đại Nguyên soái Axouch đã tái chiếm được LaodiceaSozopolis, nối lại tuyến đường liên lạc với Attaleia.[41] Đoạn đường này đặc biệt quan trọng vì nó còn mở ra cửa ngõ thông tới Cilicia và các tiểu quốc Thập tự quân xứ Syria.[32]

Sau khi kết thúc cuộc chiến đối đầu với Hungary, Ioannes mới có thể đủ sức tập trung vào Tiểu Á trong suốt những năm tháng còn lại của mình. Ông đã tiến hành một chiến dịch chống lại tiểu vương quốc DanishmendidMalatya trên thượng nguồn sông Euphrates từ năm 1130 đến năm 1135. Nhờ ý chí cương nghị mãnh liệt nơi sa trường của ông mà những nỗ lực bành trướng sang Tiểu Á của quân Thổ mới phải ngừng lại, và Ioannes đã chuẩn bị quyết một phen sống mái với kẻ thù. Nhằm khôi phục lại chủ quyền các vùng này trở về với triều đình, hoàng đế nhiều lần thân chinh đem quân đi chinh phạt người Thổ ở Tiểu Á, một trong số đó có cả chiến công lừng lẫy khi Đông La Mã chiếm lại được quê hương của dòng họ Komnenoi ở Kastamonu (Kastra Komnenon); rồi để lại 2.000 quân trấn giữ tại Gangra. Ioannes mau chóng trở nên nổi tiếng bất khả chiến bại trong một lần xông vào giành giật từng đồn lũy từ tay quân thù. Những vùng đất bị kẻ thù lấy mất khỏi tay đế quốc kể từ sau trận Manzikert thì nay được phục hồi và đồn trú. Tuy nhiên công cuộc kháng cự, chủ yếu từ người Danishmend vùng Đông Bắc, vẫn còn mạnh, và tính chất khó khăn trong việc tổ chức các cuộc chinh phục mới được soi sáng trước một thực tế rằng Kastamonu vẫn bị quân Thổ tái chiếm ngay cả khi Ioannes đang ở Constantinopolis ca khúc khải hoàn cho sự trở về của vùng này được đặt dưới quyền kiểm soát của Đông La Mã. Dù gì đi nữa thì Ioannes vẫn tỏ ra kiên trì và Kastamonu lại sớm đổi chủ một lần nữa.[20][42][43]

Vào mùa xuân năm 1139, hoàng đế đã thành công trong công cuộc thảo phạt người Thổ, có lẽ thuộc giống dân du mục Turkoman, đã đột kích vào khu vực dọc theo sông Sangarios, với cách đánh trúng phương kế sinh nhai của tộc người này bằng cách xua đuổi đàn bò của họ đi chỗ khác.[44] Sau đó ông hành quân lần cuối cùng chống lại người Thổ thuộc giống Danishmend, tiến binh dọc theo bờ biển phía nam Biển Đen qua vùng BithyniaPaphlagonia. Chế độ ly khai khỏi Đông La Mã của Konstantinos Gabras tại Trebizond phải chấm dứt, và nguyên miền Chaldia được quay trở lại dưới quyền kiểm soát trực tiếp của triều đình. Ioannes chuyển sang công hãm thành phố Neocaesarea nhưng không thành công vào năm 1140. Đại quân Đông La Mã chịu thảm bại còn do tình trạng khí hậu thay đổi hơn là do người Thổ gây ra: thời tiết rất xấu, một số lượng lớn chiến mã gục chết hàng loạt, và sự tiếp tế đã trở nên khan hiếm dần.[45][46][47]

Viễn chinh xứ Cilicia và Syria

Ioannes II chỉ đạo cuộc vây hãm thành Shaizar trong khi các đồng minh của ông ngồi im lìm trong doanh trại của họ, bản thảo Pháp năm 1338

Tại miền Cận Đông, hoàng đế tìm đủ mọi cách tăng cường tuyên bố bá quyền của Đông La Mã đối với các tiểu quốc Thập tự quân và đòi chủ quyền Antioch thuộc về mình. Năm 1137 ông chiếm được các thành Tarsus, AdanaMopsuestia từ Thân vương quốc Armenia Cilicia, và năm 1138 Vương công Levon I xứ Armenia và cả nhà ông đều bị đưa đi giam cầm tại Constantinopolis.[48][49] Do đó đã mở ra tuyến đường dẫn đến Thân vương quốc Antiochia, nơi Raymond thành Poitiers, Vương công Antiochia, và Joscelin II, Bá tước Edessa, đều công nhận mình là chư hầu của hoàng đế vào năm 1137. Ngay cả Raymond II, Bá tước Tripoli, vội vàng về phía bắc để bày tỏ thái độ thần phục Ioannes, lặp đi lặp lại sự thần phục mà những người tiền nhiệm của họ đã bày tỏ với đấng tiên vương của Ioannes vào năm 1109.[50] Sau một chiến dịch chung khi Ioannes cầm đầu liên quân Byzantium, Antiochia và Edessa tiến đánh người Hồi giáo Syria. Aleppo đã chứng tỏ là một tòa thành dễ thủ khó công, nhưng các pháo đài Balat, Biza'a, Athereb, Maarat al-NumanKafartab đều bị liên quân đánh chiếm dễ dàng.[51]

Dù Ioannes có xông pha tên đạn và chiến đấu tận lực vì nguyên nhân Kitô giáo trong cuộc chinh phạt ở Syria, các đồng minh vô tích sự bao gồm Raymond thành Antiochia và Bá tước Joscelin II thành Edessa chỉ biết ngồi quanh quẩn chơi xúc xắc thay vì ra sức giúp đỡ Ioannes công chiếm thành Shaizar. Các vị Vương công Thập tự quân nghi ngờ lẫn nhau và chẳng ai muốn kẻ khác giành được phần thắng trong cuộc chiến này. Raymond cũng muốn giữ chắc thành Antiochia, mà ông đã đồng ý giao lại cho Ioannes nếu chiến dịch tái chiếm thành công Aleppo, Shaizar, HomsHama. Các nguồn sử liệu Latinh và Hồi giáo đêu mô tả nghị lực và lòng dũng cảm của Ioannes khi đang tiếp tục cuộc vây hãm. Thành phố bị chiếm cứ, nhưng những đồn lũy xung quanh vẫn chống trả đến cùng. Tiểu vương Shaizar thấy tình hình không mấy khả quan bèn đưa ra đề nghị trả một khoản tiền bồi thường lớn, nguyện trở thành chư hầu của Ioannes và nộp cống hàng năm. Ioannes coi như mất hết niềm tin vào các đồng minh của mình, và một đạo quân Hồi giáo dưới sự chỉ huy của Zengi đang trên đường tới đây để cố giải vây thành phố, do vậy hoàng đế đành miễn cưỡng chấp nhận lời đề nghị này.[52] hoàng đế còn bị phân tâm bởi một cuộc đột kích của người Seljuq vào vùng Cilicia và phát triển về hướng tây, nơi ông đang theo đuổi mối quan hệ đồng minh nồng ấm với Đế quốc La Mã Thần thánh nhằm chống lại họa ngoại xâm từ người Norman trên đảo Sicilia. Joscelin và Raymond đã mưu tính trì hoãn việc bàn giao tòa thành Antiochia theo như lời hứa cho hoàng đế, kích động dân chúng dấy loạn đánh đuổi Ioannes và cộng đồng dân bản xứ Hy Lạp. Không còn cách nào khác hoàng đế đành phải rời khỏi Syria mà chỉ thu được một phần nhỏ trong tham vọng của mình.[53]

Chiến dịch cuối cùng

Đầu năm 1142 Ioannes tiến hành thảo phạt người Seljuq xứ Iconium để đảm bảo đường dây liên lạc của ông qua ngõ Antalya. Trong chiến dịch này, trưởng nam và đồng hoàng đế Alexios qua đời vì một cơn sốt. Nhằm củng cố cho bằng được tuyến đường này, Ioannes đã bắt tay vào một cuộc viễn chinh mới tại Syria với quyết tâm làm sao để Antiochia nằm dưới quyền cai trị trực tiếp của đế quốc.[54] Cuộc viễn chinh này bao gồm một chuyến hành hương dự định đến Jerusalem mà ông tính đưa quân vào. Vua Fulk thành Jerusalem, vì sợ rằng sự hiện diện của hoàng đế kèm theo lực lượng quân sự hùng hậu sẽ ép ông phải thực hiện một hành động thần phục và chính thức công nhận quyền bá chủ của Đông La Mã lên vương quốc của mình, đã cầu xin hoàng đế chỉ mang theo một đội hộ tống khiêm tốn. Fulk viện cớ rằng vương quốc cằn cỗi rộng lớn của ông khó lòng chu cấp nổi cho một đạo quân lớn mượn đường đi qua.[21][55] Phản ứng thờ ơ này đã khiến Ioannes II quyết định hoãn cuộc hành hương này lại. Rồi mau chóng tiến công lên miền bắc Syria, buộc Joscelin II xứ Edessa phải nộp con tin, gồm cả con gái của mình, làm bằng chứng cho thái độ chân thành. Xong xuôi đâu đấy, hoàng đế mới kéo quân đến Antiochia đòi cả thành phố này và thành lũy bao quanh phải đầu hàng ngay lập tức. Raymond xứ Poitiers cố tình kéo dài thời gian, lấy lý do để chờ đại hội đồng Antiochia biểu quyết. Vì mùa màng tốt tươi nên Ioannes đã quyết định đưa quân vào trú đông ở Cilicia, cho dời lại cuộc tấn công Antiochia của ông vào năm sau.[56]